BUÔNG…

 

Trong biển trời rộng lớn mênh mông của ngôn từ, từng người trong chúng ta đều có thể dễ dàng tìm cho mình những ngôn từ phù hợp với tâm trạng, với môi trường, với hoàn cảnh, với độ tuổi của mình đề suy, để gẫm và đế sống.

Với tớ, hôm nay và lúc này, tớ gẫm đến từ “buông”. Nói thật nhé, không phải tớ thất tình mà cũng không phải tớ đang trong tâm trạng bi quan chán chường đâu. Nhưng tớ muốn khám phá “buông”, trước là để dò dẫm lại bản thân mình đã thực sự sống “buông” chưa. Sau nữa là tớ muốn thách thức bản thân có dám “buông” những gì đang luẩn quẩn bên mình hay không?

Người ta vẫn ví von rằng: “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Đúng vậy bạn nhỉ! Có bao giờ bạn thấy mình sử dụng tiếng mẹ đẻ mà nhiều khi còn sai hay hiểu chưa đúng nghĩa, nghĩ chưa hết ý hay không? Tớ đã từng nhiều lần trong tình trạng đó và cũng không ít lần bối rối khi đối diện với một từ mà có nhiều nghĩa. “Buông” là một trường hợp như thế với tớ. Nếu tớ đang trong tình trạng tâm lý ổn định, tươi vui thì “buông” nhàn tênh, không phút suy nghĩ gì, không chút tiếc nuối. Nhưng không may một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống khi mà tâm trạng tớ rối bời, buồn chán thì “buông” khó vô cùng. Tớ nhớ ai đó đã từng nói: “càng quên càng nhớ”. Khi tâm trạng ổn thì mọi thứ là dễ dàng nhưng khi tâm trạng đang có chút vấn đề thì dù một chút nhỏ thôi mà để buông bỏ được cũng là chuyện không đơn giản.

Buông là bỏ ra, là không nắm giữ….

Trong lãnh vực tình yêu, khi một trong hai không còn tình cảm hoặc không còn là đối tượng để có thể mang lại hạnh phúc cho người yêu của mình… họ buông tay nhau.

Trong lãnh vực kinh doanh, khi không đạt được mục tiêu phấn đấu cho kế hoạch làm giàu của mình họ buông bỏ để đi tìm kế hoạch khác tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trong nhiều lãnh vực khác của cuộc sống, khi người ta không còn cảm thấy hạnh phúc, không còn thấy giá trị của cuộc đời họ bắt đầu buông xuôi trong các mối quan hệ thậm chí là buông xuôi ngay trong việc chăm sóc bản thân.

Thế nhưng, trong đời sống thánh hiến “buông” lại là điều nên làm và cần làm. Vì sao vậy? Vì người sống đời thánh hiến được mời gọi là môn đệ Đức Kitô, rập theo khuôn mẫu của Thầy Chí Thánh “ con chồn có hang, chim trời có tổ, con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).

Cần phải buông những thú vui trần thế để chỉ một định hướng duy nhất là theo chân Chúa.

Cần phải buông những thói quen không phù hợp với người môn đệ để nên đồng hình đồng dạng với Con Một Chúa.

Cần phải buông những tham sân si, những thói hư nết xấu của mình để làm chứng cho một Đức Kitô sống nghèo và chết nghèo.  

Cần phải buông cái tôi ích kỷ, cái tôi ham muốn, cái tôi hèn yếu, cái tôi tự kiêu, cái tôi chiếm hữu để hoàn toàn sống trong khiêm nhường, hiền lành, thánh thiện.

………………………………………

Trên con đường thánh hiến mà tớ và nhiều người đang đi, “buông” không đơn giản. Nhưng “buông” cũng không quá nặng nề, chỉ cần chúng ta có tấm lòng chân thật, ý chí mạnh mẽ, kiên trì tập luyện… chắc chắn sẽ “buông” được.

Tran Tran

Bài viết liên quan
Cuộc sống là một hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy những thử thách, mất…
01 – CHẬM LÀ ỔN, ỔN CHÍNH LÀ BIỂU HIỆN CỦA TRƯỞNG THÀNH Chẳng có…
Trái tim chính là nơi lưu giữ những cảm xúc mãnh liệt và chân thành…