Mẹ không phải là người phụ nữ nhan sắc và cũng không phải là người phụ nữ giỏi giang. Nhưng mẹ luôn là người phụ nữ “quyền lực” trong gia đình.
Sống trong hoàn cảnh giao thời của hai cảnh đời thịnh suy, mẹ tôi và các anh chị em trong gia đình bà ngoại phải mất khá nhiều thời gian mới có thể gọi là thích nghi với cái túng, cái nghèo. Chả là, gia đình ông bà ngoại tôi thuộc hạng sang trong xã. Nói đến độ giàu có thì phải kể tên ông bà ngoại hàng đầu. Nói đến độ đại lượng sẻ chia, mọi người cũng nói đến ông bà tôi trước nhất. Và nói tới thảm kịch kinh tế thì ai trong thời đó cũng nhớ đến câu chuyện buồn của gia đình ông bà. Rất khó để có thể sống trong một môi trường thiếu thốn nghèo nàn mà trước đó mọi người đã quen với cuộc sống sung túc ê hề của cải. Mẹ kể rằng suốt khoảng thời gian gia đình xảy ra chuyện, ai cũng sốc. Thế nhưng, cũng nhờ tình thương của bà con hàng xóm giúp đỡ, mọi thứ cũng dần ổn định. Mẹ phải nghỉ học đi nhặt ve chai để phụ bố mẹ nuôi các em, hai bác cả đã có gia đình cũng phải lo phận mình nên bao nhiêu công việc nhà mẹ lo hết. Lúc nào mẹ cũng trong bộ trang phục với chiếc áo hoa giản dị, chiếc quần rộng ống bên thấp bên cao. Mùa hè nắng gắt hay mùa đông lạnh ngắt mẹ luôn đi chân trần. Ai nhắc mẹ cũng cười xoà “quen rồi”. Chỉ khi nào đi công việc ra khỏi nhà mẹ mới gượng ép “thọc” chân vào đôi dép. Cái thói quen độc lạ này làm nhiều người trong nhà lo lắng cho sức khoẻ của mẹ. Mùa nóng nắng đã vậy còn mùa đông nữa chứ. Vậy mà nói mẹ có chịu nghe đâu. Có chăng mọi người nói nhiều quá thì mẹ cũng đi đôi dép gọi là có lệ chứ chẳng được dăm ba phút.
Đôi chân trần của mẹ đi qua bao khó khăn vất vả của cuộc sống mưu sinh từ khi mẹ còn thiếu nữ cho đến khi lập gia đình nuôi dưỡng con cái. Những nốt chai sần cứng đơ tích tụ trên hai mắt cá, trên những ngón chân của mẹ là “chiến tích” của những ngày bắt tôm bắt cá, của những ngày mưa nắng sương sa mẹ lặn lội kiếm tiền nuôi gia đình. Mỗi khi trời chuyển tiết hanh khô là lúc gót chân mẹ nứt nẻ toác máu, ấy vậy mà mẹ vẫn vui vẻ gọi nó là bông pháo hoa đang nổ.
Suốt cuộc đời mẹ âm thầm hy sinh cho bố mẹ, cho các anh chị, cho chồng, cho con.
Mẹ âm thầm chẳng cho ai biết được, thấy được hình ảnh mẹ ngồi một mình với chiếc kính lão, đôi tay mân mê lạng dần đi những nốt chai sần trên đôi chân trần ấy cho đỡ đau.
Mẹ âm thầm giấu đi những giọt nước mắt của sự đau đớn mỗi khi những bông pháo hoa mà mẹ gọi đang bắn máu vì khô hanh.
Mẹ âm thầm lắng nghe những càm ràm của con cái.. nào là sao mẹ không mua cho con đôi dép giống của bạn cùng lớp? Sao mẹ không mua cho con đôi giày thể thao ở ngoài quán huyện? Sao mẹ không mua cho con đôi tất dày hơn để con đi cho khỏi lạnh? Sao mẹ không đi đôi dép vào mỗi khi bạn con đến chơi hay nhà có khách?
…………………
Thời gian ngày một trôi đi, đôi chân mẹ cũng theo đó mà ngày một chậm chạp. Những nốt chai cứng ngày một thêm dày, thêm nhiều. Thế nhưng, mẹ vẫn âm thầm với đôi chân trần lặng lẽ giữa những cơn nắng, cơn mưa, lặn lội vất vả trồng rau, nuôi gà, bắt tôm, bắt cá để nuôi dưỡng gia đình.
Thương lắm đôi chân trần của mẹ! Biết ơn lắm đôi chân trần của mẹ!