Hạnh của đất

Giáo hội là người mẹ khôn ngoan, luôn yêu thương và dành những điều tốt nhất cho con cái. Mẹ giáo hội đã mời gọi chúng ta dành trọn 30 ngày của tháng 11 để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Đây là khoảng thời gian linh thánh để mỗi người chúng ta có thêm cơ hội báo hiếu tới các bậc tiền nhân của mình.

Suy gẫm về sự chết chúng ta thường hay nghĩ gì và có cảm giác như thế nào? Tránh né nghĩ về nó vì đó là một điều xui xẻo. Sợ hãi khi nghĩ đến nó vì chúng ta còn nhiều việc phải làm…Chắc chắn là như vậy! Vì chúng ta mang thân phận người nên còn những ham muốn, những tham sân si, những ước mong của danh vọng, của tương lai nên chẳng ai dại gì mà đang yên đang lành lại nghĩ đến sự chết. Tuy nhiên, với những người có đức tin thì sự chết lại là một niềm hạnh phúc vì sau cánh cửa của sự chết chúng ta sẽ gặp Đấng mà chúng ta hằng tôn thờ.

Tác giả sách Thánh vịnh có nói: “tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp” (Tv49, 12). Quả thật, chúng ta thường hay loay hoay mất thời gian cho cả cuộc đời mình với những vinh hoa phú quý, hưởng thụ giàu sang mà quên đi rằng khi chết mọi thứ đó không thể nào đi với chúng ta được. Lúc đó chỉ còn ta và lòng đất mà thôi.

Đất tuy âm thầm nhưng rất thiêng liêng và cao quý. Khi suy gẫm về đất chúng ta dễ bắt gặp một cảm giác trầm lắng nhưng mạnh mẽ, một cảm giác lạnh lùng nhưng an toàn vững chắc. Hạnh của đất cho ta nhiều bài học trong cuộc sống.

Hạnh của đất dạy ta bài học của sự âm thầm. Nếu không có đất, con người khó có thể tồn tại và phát triển được. Đất là sức mạnh cho cây lớn lên, là nền tảng vững chắc để xây dựng cửa nhà.

Hạnh của đất dạy ta bài học của sự khiêm nhường. Đất đón nhận tất cả những gì người ta đổ lên nó. Mọi thứ rác rưởi, mọi thứ ô nhiễm, mọi thứ bần tiện bẩn thỉu nhất trần gian nó cũng đều hứng chịu. Vậy mà đất không hề gồng mình cự tuyệt.

Hạnh của đất dạy ta bài học của phục vụ. Đất sẵn sàng chịu bị đào bới, thậm chí là nghiền nát để tạo thành những vật dụng hữu ích cho con người.

Hạnh của đất dạy ta bài học của bao dung, vị tha. Đất không phân biệt địa vị cao sang hay thấp hèn. Đất không quan trọng người tài năng xinh đẹp hay ngu dốt xấu xí. Đất không phân biệt thánh nhân hay tử tội…Tóm lại, dù là ai và với danh phận nào khi nhắm mắt lìa đời đều được đất đón nhận.

Hạnh của đất dạy ta về sự tín thác, củng cố cho ta thêm vững mạnh trong đời sống đức tin. Hạt lúa sẽ không đơm bông kết trái nếu không được chôn vùi trong lòng đất (Ga 12, 20-33). Thân xác con người dù có thối nát mục rữa trong lòng đất nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa sẽ cho thân xác ấy được phục sinh trong ngày sau hết  (Ezekiel 37, 1-14).

Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng nhưng Ngài không dùng những gì quá cao sang để dạy dỗ uốn nắn chúng ta. Ngài dạy chúng ta những bài học nên thánh ngang qua những thứ rất đơn giản bình dị trong cuộc sống vậy mà nhiều lúc chúng ta không nhận ra được.

Mọi sự Thiên Chúa tạo dựng trên mặt đất này đều tốt đẹp ( St 1, 25). Vậy nên dưới cái nhìn đức tin và trong tình yêu chúng ta hãy sống quãng đời còn lại của mình cho thật đẹp, thật ý nghĩa. Để rồi khi trở về với lòng đất, trong giờ phán xét chúng ta sẽ sẽ nên như những người đầy tớ được Thiên Chúa trọng thưởng: hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi ( Mt 25, 14-30).

TRẦN TRẦN

Nguồn bài viết: Dòng Mân Côi Bùi Chu