Hố Rác Của Những Cái Tên In Trên Lon “Có-cà-Có-là”

Lòng khao khát tên mình được nhắc đến giữa cộng đồng nhân loại là một lòng muốn tự nhiên của mỗi người, vì trong cuộc sống, trừ khi chúng ta quyết định vào rừng hay lên núi cao sống ẩn dật, may ra lòng khao khát ấy mới thôi không còn bùng cháy nữa. Tuy nhiên, nếu lòng khao khát ấy vượt quá mức tự nhiên đến mức người ta không còn phân định được đâu là thật và đâu là ảo, đâu là đắt giá và đâu là rẻ tiền, đâu là vĩnh cửu và đâu là chóng quá… thì phải kể là vô cùng nguy hiểm như tình trạng nhiều người dùng những vụ bê bối trên mọi phương diện tình dục hoặc cố ý làm xấu hình ảnh bản thân…. Và hiện nay, ở tại Việt Nam lại nổi lên một hiện tượng rất lạ lùng, một hiện tượng vụ lợi cho một nhóm người, hay nói chính xác là một công ty nước giải khát, nước đường có ga thì chính xác hơn, và dưới dáng vẻ vô thưởng vô phạt, không biết bao nhiêu người trẻ đã tự nguyện làm tác nhân quảng bá cho thương hiệu này với một cái tên được in trên lon nước ngọt có tên Coca Cola.

Mỗi ngày, trên trang cộng đồng xã hội Facebook, chúng ta thấy nhan nhản những người trẻ tự hào vì mình có được “hàng độc” và “lạ” trên tay, đó chính là lon nước ngọt Coca Cola có khắc tên mình. Việc các bạn đồng loạt hưởng ứng một chiến dịch thương hiệu của hãng này đã vô tình mang lại lợi nhuận không hề ít cho họ đã đành, nhưng nó cũng nói lên một thực trạng đáng buồn hơn cả, đó là một sự mất khả năng phân định nặng nề (không còn khả năng tư duy), chỉ còn là một dấu chỉ của một thế hệ phản ứng nhanh nhưng không muốn lãnh nhận hậu quả trước những chọn lựa và việc làm vô ý thức của mình. Như thế, đứng trên bình diện tâm lý thì đó phải kể là một dấu hiệu của bệnh tâm thần, do quá cuồng nộ muốn có một cái gì đó mới, lạ, độc, mà quên mất rằng bản thân mình đang bị lừa và tự lừa khi nghĩ rằng chắc chỉ một mình mình được cái đặc quyền in tên trên một cái lon nhôm mầu đỏ vốn xưa nay chỉ in thương hiệu của họ.

Khi một đoạn trích trên được đăng tải trên Facebook cá nhân của tôi, có nhiều ý kiến khác nhau trước hiện tượng này, có một số người lại còn cho rằng “đây là niềm vui không thể thiếu của tuổi trẻ, mất niềm vui kiểu này thì không còn là tuổi trẻ”, có người thì thuần biện minh bằng cái gọi là “niềm vui”. Đành rằng là con người ai cũng mong muốn mình có được niềm vui, song đâu là một niềm vui đích thực, một niềm vui đắt giá? Hay đó chỉ còn là một niềm vui thoáng chốc, vô bổ, thiếu chọn lọc…? Và nếu như cuộc sống của ta chỉ chấp nhận những niềm vui rẻ tiền và thiếu bản sắc văn hoá về tinh thần, thì liệu ta sẽ trở thành một người như thế nào? Một con người dễ vui với những điều tạp nham của cuộc sống? Và bạn có chấp nhận để cho người khác xếp mình vào nhóm người hứng thú với những niềm vui rẻ tiền và theo phong trào không? Thiết nghĩ, là một người trưởng thành thực sự về mặt nhận thức có lẽ bạn sẽ khó trả lời “CÓ” trước câu hỏi này.

Ai cũng biết, trước khi một đứa trẻ chào đời, thì cha mẹ và cả họ hàng đã dành thật nhiều thời gian để suy nghĩ một cái tên thật xứng hợp để đặt cho đứa trẻ sắp chào đời. Thế nên, tên gọi, trong mọi nền văn hoá, và nhất là văn hoá Á Đông như Việt Nam, thì cái tên còn quan trọng và đáng phải trân quý hơn rất nhiều. Trong mỗi cái tên, ai cũng thấy nó có một ý nghĩa cao đẹp và đồng thời chính cái tên ấy ảnh hưởng phần nào rất sâu sắc đến căn tính, phẩm giá, và sự thành bại của một con người. Chính vì lý do này mà mọi gia đình đều hết sức cẩn trọng trong việc đặt tên cho con cái mình. Ấy vậy mà, ngày hôm nay, người ta sẵn sàng đem cả điều cao quý ấy bán không công cho một hãng nước đường, chưa kể, lại còn tự hào một cách mãn nguyện vì tên mình (đầy ý nghĩa) lại được đứng bên cạnh một cái tên vô nghĩa, rồi sau đó bị quăng ném vào sọt rác để cho người ta chà đạp và phóng uế?

Căn tính của một con người ngoài những yếu tố căn bản của quyền làm người, thì nó còn được xác định bởi những nét văn hoá và mục tiêu theo đuổi trong hành trình sống của người ấy nữa. Và đương nhiên, để làm cho một con người trở nên tha hoá, vong thân, và mất hết phẩm giá, chỉ cần cho họ hưởng những thú vui hay niềm vui tầm thường, thật nhiều điều tương tự như thế, để rồi khi họ biến nó thành một nét văn hoá, thì lập tức ta chỉ cần ném tất cả những thứ “văn hoá” ấy vào trong một hố thác, thì lập tức họ sẽ bỗng thấy vô duyên, vô dụng, và vô văn hoá, và từ đó họ sẽ vẫy vùng để đòi lại cái căn tính cao đẹp của con người. Đáng tiếc thay, càng vẫy vùng, càng gào thét, càng biện minh thì điều họ gặt hái sẽ chỉ còn là một mớ vô vọng và hổ lốn, và khi biết mình đã mất hết, người ta dễ dàng trở thành một món đồ chơi cho những ai đi tìm niềm vui trên món hàng ấy như cách thế mà họ đã biến căn tính con người của mình thành những món đồ chơi mua vui bởi những điều rẻ tiền và dễ dãi khi còn trẻ.

Từ cái dại ban đầu dẫn đến sự lệ thuộc hay nô lệ là một hệ luỵ tất yếu của mọi thứ chiến lược mang dáng vẻ bề ngoài là vô thưởng vô phạt, là vui vui… Khi đã thành công trong việc tha hoá một thế hệ, thì việc thế hệ ấy sanh ra một thế hệ dễ dàng bị tha hoá khác là chuyện bình thường và dễ như trở bàn tay…. Rất khó cho những người con trưởng thành đúng đắn trong một hoàn cảnh mà cha mẹ chúng khi còn trẻ đã luôn dễ dãi đón nhận những niềm vui rẻ tiền và vô bổ thành niềm vui đích thực và không thể thiếu. Bởi lẽ, ngay từ tấm bé chúng đã nhìn thấy những niềm vui ấy từ cha mẹ chúng cùng với tất cả sự thoả mãn và khoái trá đi kèm, thậm chí, dù có che đậy khéo léo thế nào thì sự mất đi nhân phẩm cũng không thể vì đó được ngủ yên mãi mãi, kiểu gì cũng lộ diện và tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên không chỉ cuộc sống của mỗi người mà còn trên cả thế hệ con cái. Vậy liệu chăng, đây là một chiến lược tha hoá đa thế hệ đang rất thành công của hãng nước giải khát kia chăng? Và liệu chăng, trong nay mai và tương lai, để con người có giá trị thật, thì họ sẽ phải lệ thuộc vào những thứ hào nhoáng chóng qua mà mình đang sở hữu? Và có phải điều này đang xảy ra ở nơi mọi xã hội và nơi mọi con người không?

Quyền được tự do chọn lựa và định đoạt tương lai, nhân cách, và phẩm giá của mỗi người là quyền tối thượng bất khả xâm phạm cũng như bất khả áp đặt. Thế nên, việc ta chọn lựa cho mình những hình thức giải trí “vui vui” nào, những mục tiêu đeo đuổi nào, phong cách sống nào… thì đó là quyền của mỗi người. Nhưng, trước khi quyết định quảng bá hay tự hào về sự chọn lựa của bản thân, mỗi người hãy tự đặt mình vào thế hệ con cái mình, đặt mình vào hoàn cảnh của những người khác, và nhìn mình ở viễn cảnh xa hơn để biện phân cho thật chính xác. Và khi đã quyết thì hãy can đảm để lãnh nhận lấy hết mọi hậu quả do những chọn lựa của mình tạo ra, và nhất là đừng bao giờ để nó ảnh hưởng quá sâu rộng đến các thế hệ tương lai hay môi trường văn hoá chung của cộng đồng, và có lẽ, thật đáng tiếc, đây lại là điều không thể trong thực tế của cuộc sống. Bởi mỗi nhân tố trong cùng một môi trường đều có sự tương tác và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Joseph C. Pham