LỐI SỐNG ĐẠO CỦA U

Trời mưa! Mưa tí tách nhỏ nhẹ nhưng cũng đủ để lòng người trùng lại, nhất là với những ai đang có một chút tâm trạng như Nó. Sống hơn 30 năm trên đời, trừ đi khoảng thời gian thơ ấu ngây dại thì cũng khoảng 30 năm Nó biết nhận thức mỗi khi trời đổ mưa lại làm cho con người ta có những cảm xúc trầm buồn. Ấy vậy mà Nó vẫn chưa thích nghi được “mối tương quan” giữa tâm trạng của nỗi lòng người với những hạt mưa. Tiếng mưa đang lớn dần lên, những hạt mưa hối hả đuổi nhau thật nhanh qua khe kẽ lá rơi tọt xuống đất vỡ tung toé. Nó bát đầu hoài niệm về những việc lành đạo đức, về cách sống đạo và giữ đạo rất bình dân của U Nó.

U Nó xuất thân trong một gia đình đông anh chị em, sinh vào thời của những năm nghèo đói, U Nó phải theo ông bà ngoại di cư từ Thanh Hoá ra Nam Định ăn xin. Bữa đói, bữa no, phải gia đình nào thảo lảo thì được tí cháo vét xoong hoạc tí gạo sống, anh em chia nhau mỗi đứa mấy hạt nhai cho “vui miệng” vậy chứ chẳng đủ lót cuống họng thì làm gì xuống đến ruột được. Cái bụng lúc nào cũng đói meo, sôi ùng ục thì làm gì U Nó có cái chữ trong đầu, nhưng kinh sách thì thuộc làu làu. Gia đình ông bà ngoại Nó nghèo, bù lại con cái đều ngoan ngoãn. Rồi thì U Nó cũng nên duyên vợ chồng với anh chàng tốt bụng trong làng và là mẫu hậu của 5 cô công chúa. Với ơn Chúa thương ban cộng thêm tính chịu khó của cả hai bố mẹ nên gia đình Nó bớt túng thiếu. Nó là đứa con thứ tư trong gia đình, 11 năm Nó sống trong niềm vui sướng vì được gọi là “cấn sữa”. Đang thì ngon lành, Nó phải nhường ngôi công chúa út cho đứa em thêm nếm của mình. Cũng may, có lẽ đó là ý Chúa nên Nó mới đi tu được. Chứ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là Nó” mà lại là con út nữa thì khó lòng mà dạy bảo được chứ nói gì đến chuyện đi tu.

Trời vẫn mưa….

Nó nhớ lại ngày hôm đó khi hai mẹ con đi ra đồng làm ruộng về, vừa muộn lại vừa đói nữa, tiếng chuông nhà thờ vang lên. U Nó hối rửa chân tay thật nhanh để lên nhà thờ đọc kinh trưa với các bạn. Chẳng nhấc được đôi chân mỏi nhừ lên khỏi mặt đất, Nó phụng phịu ra vẻ mệt nhọc không muốn đi. Không quay lại nhìn bộ mặt bánh đa chảy nước của Nó, U Nó vừa xối nước, kì cọ đôi dép cho Nó vừa nói: “Còn bé, còn khoẻ thì siêng đến nhà thờ đi, đọc kinh khấn khứa cho mọi người, ai cũng chỉ mong được cậy nhờ vào từng lời kinh đơn sơ của tụi bay thôi…”. Làm gì mà Nó hiểu hết ý của câu mà U Nó vừa nói. Vậy mà chẳng hiểu sao Nó vẫn thoăn thoắt thả vội ống quần rồi chạy một lèo lên nhà thờ.

U Nó luôn nhắc nhở từng đứa con của bà khi đi lễ hay đi đọc kinh phải thưa đáp thật lớn và ‘rõng rạc’. Như một chiếc “camera tân thời”, dù bất kể chị em Nó ngồi chỗ nào trong nhà thờ, U Nó cũng đều theo dõi được hết. Đứa nào nghí ngoáy không chịu đọc kinh là bị nhắc nhở liền. Bà không cáu gắt hay đe doạ ra hình phạt, nhưng nhẹ nhàng khuyên bảo: mấy đứa phải cố gắng chăm chú, cầm lòng cầm trí mà đọc kinh để thằng quỷ đen không có cơ hội thổi vào tai chúng bay những lời đường mật mất lòng Chúa. Chúng bay nhìn lê tượng Chúa xem, chúng bay không chịu đọc kinh ca tụng Chúa thì phải dang tay đau đớn như kia. Mấy chị em Nó thay nhau gật đầu tán thành, vì thấy “thần học nông dân” của U nghe rất có lý, có sức thuyết phục để chị em Nó khắc sâu ghi đậm trong lòng.

Chưa hết, tối nào U Nó cũng giục giã mọi người đọc kinh gia đình trước khi đi ngủ. Có lần cả nhà mới chỉ đọc được hơn nửa chục kinh thì U Nó đã solo kinh Sáng danh luôn mà không hề nghĩ ngợi chi. Thấy “tình hình bất ổn”, bố Nó quay sang dòm thì thấy phu nhân của mình đôi mắt đã nhắm tịt, miệng còn đang ê a, đầu thì tựa hẳn vào thành ghế. Mọi người định kết thúc giờ kinh sớm để cho U Nó ngủ… ai dè… sau phút chốc đi vào cõi thần tiên ấy, giật mình tỉnh dậy chữa khéo một câu: “thời tiết hôm nay mát mẻ quá” rồi U Nó lại “kéo” hết các kinh như mọi ngày. Chẳng ai trong nhà ý kiến gì cả, chỉ tủm tỉm cười với nhau chút xíu rồi lại sốt sắng trong lời kinh. Nó thương U vì gánh nặng cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền chất chồng lên đôi vai gầy. Nó trân trọng những suy nghĩ là cách sống đạo rất bình dân của U khi cố gắng duy trì các giờ kinh của gia đình cho dù thân xác có mệt mỏi rã rời. Mưa dầm thấm lâu, có khi cũng nhờ lãnh hội hương vị đạo đức này mà bây giờ dù có đôi lúc mệt mệt hay bận bận Nó vẫn cố gắng dành giờ cho Chúa .

Dạo đó, Nó cũng lớn rồi, biết chỉ huy chiếc xe thồ với 4 phần 5 bao thóc để đi xát gạo. Mỗi lần lên dốc cầu, U Nó cũng đọc câu nguyện tắt để cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là các linh hồn mới qua đời. Nó thắc mắc sao mẹ cứ hay cầu nguyện cho các linh hồn mới qua đời, làng xóm xung quanh có ai chết đâu nhỉ. Được một cái cốc nhẹ vào đầu Nó mới hiểu rằng đâu có phải người chết chỉ có xung quanh địa bàn nhà Nó, khắp nơi trên thế giới giờ nào chẳng có người chết. Ừ, đúng thật! công nhận U Nó ít chữ mà hiểu biết đâu vào đấy. U Nó yêu quý các linh hồn lắm. Mỗi lần chị em Nó đến kì thi, U đều nhắc phải khấn hứa và cầu nguyện với các linh hồn, các ngài “thiêng” “lắm, sẽ phù hộ cho. Được U dạy như thế và cũng đã có đôi lần cảm nghiệm được hiệu năng của việc cầu nguyện với các linh hồn nên Nó cũng rất thích và thương xuyên dâng các linh hồn cho Thiên Chúa.

Hầu như U Nó không bỏ lễ bao giờ và cũng ít khi vắng mặt trong các buổi đọc kinh trên nhà thờ. Một ngày nếu có thời gian U Nó phải lần được mấy tràng kinh, còn không thì ít là một ngày cũng đủ bốn mùa: Vui Sáng Thương Mừng. Cỗ tràng hạt bằng nhựa đã sờn hết dây và mòn hết hạt, U Nó vẫn mang trên mình, y như là nếu bỏ đi thì mắc tội trọng không bằng. Vậy nên đứa con, đứa cháu nào của bà cũng sớm được hấp thụ sự đạo đức của lời kinh Mân Côi. Việc là đạo đức nào của U Nó cũng đều có lý, đôi khi còn có tí thần học nữa. Bà mong ước các con, các cháu phải có lòng yêu mến, sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Bà giải thích đơn giản vì là lúc nào Đức Mẹ cũng cận kề bên Chúa từ khi sinh ra đến khi Chúa chịu chết. Thế nên năng chạy đến với Đức Mẹ là khôn ngoan và không phải lo sợ gì. Ừ! Cũng lại có lý thật.

Những hạt mưa theo làn gió nhẹ bay thẳng vào khuôn mặt đang ngơ ngơ làm Nó bừng tỉnh quay về thực tại. Nở một nụ cười thật tươi, nhìn ngược lại dòng lịch sử của Giáo Hội, của cha ông, của Hội Dòng. Nó thầm cảm ơn tất cả những người đã đón nhận, gìn giữ và nuôi dưỡng cây đức tin từ những việc làm đạo đức hết sức đơn giản ấy. Giống như U Nó, chắc có lẽ các bà, các dì trong Hội Dòng và mọi người của thời trước cũng đều có lối sống đạo đơn sơ chân thành như thế, nhưng lại mang một sức mạnh loan truyền Tin Mừng đến cho mọi nơi và mọi người. Và cũng chính nhờ nền tảng bình dân ấy mà cây đức tin của Giáo Hội mới luôn sinh bông kết trái….

Cảm ơn lối sống đạo của U.

TRẦN TRẦN

( Trích trong RA KHƠI số 30)