“Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị phán xét theo luật tự do. Vì ai không tỏ lòng thương xót, thì sẽ bị Thiên Chúa phán xét thẳng tay không thương xót. Nhưng lòng thương xót sẽ chiến thắng án phạt” (Gc 2, 12-13).
Có hai nhân đức mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thực thi một cách hoàn hảo – đó là sự công chính thần linh và lòng thương xót vô biên của Ngài. Thoạt nhìn, chúng dường như mâu thuẫn nhau, bởi vì nếu Thiên Chúa quyết định áp dụng sự công chính thần linh của Ngài, thì sẽ không ai có thể thoát khỏi tội lỗi trước mặt Ngài. Mặt khác, nếu Ngài muốn áp dụng lòng thương xót vô biên, thì sẽ không ai bị kết án. Vậy hai đặc tính thần linh này hoạt động như thế nào?
Chúng ta hãy bắt đầu với những điều cơ bản: Công chính là gì? Một số người nói đó là chân lý. Những người khác cho rằng trong Kinh Thánh, từ “công chính” được dùng để chỉ những người thánh thiện, những người sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Trong từ điển, chúng ta thấy nó được định nghĩa là “nguyên tắc luân lý dẫn đến việc xác định rằng mọi người nên sống trung thực,” và chúng ta cũng tìm thấy các định nghĩa như “luật pháp, lẽ phải và công bằng.” Những định nghĩa này cho thấy sự công chính là vô tư, bình tâm, và ngay thẳng trong hành động và quyết định.
Lòng thương xót là gì? Cũng có nhiều định nghĩa xuất hiện khi tìm kiếm thuật ngữ này. Một trong số đó là nhân đức khiến linh hồn cảm thương trước những đau khổ và khốn cùng của người khác. Đó là sự thực hành khoan dung và tha thứ, lòng trắc ẩn hoặc sự nhân nhượng đối với người phạm lỗi.
Làm thế nào hai nhân đức này có thể liên kết với nhau? Chìa khóa để vận dụng chúng một cách tốt nhất là kết hợp chúng, thực hành công chính khi tỏ lòng thương xót và ngược lại. Đôi khi, người ta nghĩ lòng thương xót là dễ dãi, buông thả. Tuy nhiên, sự dễ dãi lại trái ngược với lòng thương xót – đến nỗi một trong những mối thương người phần linh hồn là sửa kẻ có lỗi. Khuyến khích hành vi xấu, khác xa với một hành động của lòng thương xót, lại là một hành động đồng lõa. Thái độ nhân nhượng không xuất phát từ tình yêu, mà từ sợ hãi: sợ người ta nói gì, sợ hậu quả của việc chỉ ra và phân biệt điều tốt điều xấu, sợ bị từ chối. Khi thực sự yêu thương, người ta tìm kiếm lợi ích đích thực cho người khác, tức là ơn cứu độ. Lấy lòng thương xót mà khuyên bảo ai đó, khác xa với một hành động tàn nhẫn, có thể là cách tốt nhất để yêu thương họ.
Hãy xem dụ ngôn người con hoang đàng. Người cha trong câu chuyện không hề dễ dãi với con mình; ông mở đường cho người con trải nghiệm hậu quả của những quyết định sai lầm. Người cha không đi giải cứu con mình khỏi hoàn cảnh khủng khiếp mà anh ta phải đối mặt sau khi phung phí ân huệ thừa kế. Không, người cha ở nhà đau khổ vì sự vắng mặt và mất mát của con trai, nhưng không lúc nào ông xúi giục hay chấp thuận lối sống mà người con đã quyết định theo đuổi.
Tuy nhiên, một khi người con ăn năn hối cải và muốn trở về, người cha đã chào đón anh bằng một cái ôm, sự tha thứ và phục hồi phẩm giá, vì ông biết lòng thống hối trong trái tim con mình. Sự dễ dãi ngăn cản và kìm hãm sự ăn năn và nhận thức vì nó nuôi dưỡng hành vi xấu. Ngược lại, sự công chính, vốn điều hành hoặc cho phép các hậu quả của hành động xảy ra, mở ra không gian để nuôi dưỡng những hành động ý thức thực sự và thúc đẩy sự tăng trưởng và trưởng thành. Trải nghiệm hậu quả của những sai lầm có thể là hành động thương xót lớn nhất.
Tuy nhiên, sự công chính được thực thi mà không có lòng trắc ẩn là sự trả thù. Trả thù củng cố vòng luẩn quẩn của tội lỗi vì điều trở nên quan trọng là sự kết án và trừng phạt. Điều này ngăn cản sự phát triển và trưởng thành của một người. Lòng thương xót tìm kiếm sự ăn năn hối cải đi kèm với sự đổi mới nội tâm và thay đổi tích cực. Lòng thương xót không đối lập với sự công chính, mà hoàn toàn ngược lại. Mục tiêu của trái tim nhân hậu là đồng hành cùng một người để đạt được sự công chính trong thánh thiện, chân lý và viên mãn. Sự công chính phục vụ lòng thương xót vì nó cho phép chân lý trở thành người thầy – một trong những cách tốt nhất để thể hiện tình yêu đích thực (bác ái).
Khi lòng thương xót thiếu sự công chính, nó trở thành sự nhu nhược (nhút nhát hoặc thiếu can đảm), và nuôi dưỡng sự sa đọa của một người. Khi sự công chính thiếu lòng thương xót, nó biến thành sự trả thù và thúc đẩy sự hủy hoại một con người. Sự kết hợp của hai nhân đức này là cần thiết để chúng ta không đánh mất chân lý, đức ái và quan trọng nhất là toàn bộ con người.
Trong tháng này, khi chúng ta cử hành Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa (Lưu ý: Ngày này thay đổi hàng năm, rơi vào Chúa Nhật II Phục Sinh), chúng ta hãy cầu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chúa Cha Hằng Hữu và Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết tạ ơn vì những lần chúng ta đã nhận được sự công lý đầy lòng thương xót cho hành động của mình. Xin cho chúng ta biết ơn những dịp quan trọng này đã cho phép chúng ta ăn năn sám hối, lớn lên về nhân cách, tiến tới trong sự thánh thiện, sống công chính và thực thi lòng thương xót.