Trong các mối quan hệ xã hội, có lẽ mối quan hệ tình cảm giữa người nam và người nữ là một mối quan hệ mang lại sự đa dạng và phong phú nhất. Và chính sự phong phú này đã tạo nên rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, và cả văn học khác nhau. Một trong những chủ đề được khai thác nhiều nhất, đó là chủ đề chia tay của đôi bạn sau một thời gian chinh phục vất vả và ấm êm hạnh phúc bên nhau.
Từ trong nghệ thuật và ngoài đời, cả hai đều tương phản và bổ khuyết cho nhau. Tình cảm ngoài đời thì không đẹp, nên thơ, lãng mạn, và giàu tính biểu cảm như trong nghệ thuật, trong khi ngoài đời thật thì lại phần nào chịu sự ảnh hưởng và chi phối từ nghệ thuật, nên vấn đề nổi lên từ đây. Từng người trong chúng ta, khi xem một bộ tiểu thuyết, một bộ phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch nghệ… chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đây và đem áp dụng vào trong đời sống thật mà tưởng đó là thật, trong khi đó là một thủ pháp nghệ thuật như cường điệu hoặc hư cấu lên nhằm làm gia tăng tính nghệ thuật đối với người thưởng thức. Chính vì chúng ta ngỡ mọi kiểu biểu hiện và ứng xử trong nghệ thuật là thật và là tiêu chuẩn cao, cộng thêm sự ngộ nhận trong sự hiểu biết của bản thân về đời sống tình cảm và tâm lý, nên đã áp dụng một cách máy móc và nhiều khi là quá đáng vào trong đời sống thật trong quan hệ tình cảm của mình.
Do chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm trong nghệ thuật, từ môi trường đào tạo gia đình và nhà trường, từ phía các bạn hữu, và do sự ngộ nhận của bản thân về sự hiểu biết và về cái tôi, nên nhiều người luôn nghĩ rằng, yêu ai đó thì nghĩa là phải thuộc về người ấy, là chỉ thuộc về người ấy. Và khi quan niệm và sống như thế, thì dù là chủ động hay bị động, ta đã vô tình tự trói lấy mình, tự ràng buộc mình, và tự nhốt mình vào một ngục thất khó thoát hoặc không có lối thoát. Trong khi trên thực tế, câu chuyện tình cảm của hai người chỉ đơn giản là một dịp để cả hai tìm hiểu về nhau một cách nghiêm túc, hoặc để chia sẻ cho nhau những rung cảm, những đồng cảm, những lý tưởng chung của hai người. Theo đó, mỗi người đều hoàn toàn có quyền tự do lương tâm để dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt cho người mà ta gọi là “người yêu”, nhưng cũng có sự tự do lương tâm để tìm hiểu một người bạn khác, để qua đó chọn lựa một khuôn mẫu phù hợp để có thể tiến xa hơn nữa trong đời sống hôn nhân gia đình. Chính vì thế, sẽ chẳng có khái niệm thuỷ chung hay phản bội trong các mối quan hệ tình cảm thế này, nếu như câu chuyện tình cảm của hai người chỉ là tình cảm, không mang bất cứ một sự lạm dụng nào cả về mặt thể lý, vật chất, và tinh thần.
Tình cảm giữa người nam và người nữ, xét trên khía cạnh này, là một sự tự do rất đẹp trong sự giao thoa tình cảm mà hai người dành cho nhau, khi cả hai chấp nhận đi vào một chiều kích sâu hơn nữa trong mối quan hệ khác phái với một sự quan tâm và tình cảm đặc biệt hơn mà hai người dành cho nhau. Cũng nên nhớ rằng, ta không được đánh đồng tình cảm trong mối quan hệ này với quan niệm vợ chồng hợp pháp, ngoại trừ được hướng xa đến mối quan hệ này để hiểu và ra quyết định trong tương lai. Một khi ta đánh đồng hai mối quan hệ này làm một, ta sẽ đi vào một sự phán đoán và áp đặt sai lầm về tình cảm của mình trên người mình yêu, theo kiểu phải giữ lòng chung thuỷ với nhau, phải thuộc về nhau cách trọn vẹn cả hồn và xác… chỉ trừ một điều, chịu trách nhiệm về nhau. Đấy là một sự lầm lạc vô cùng đáng tiếc trong các mối quan hệ nam nữ ngày nay, và chính sự lầm lạc này đã dẫn đến biết bao bi kịch, tan vỡ, và những tội ác không cần thiết trong đời sống xã hội.
Một khi đã hiểu rõ bản chất của mối quan hệ tình cảm này, chắc chắn ta sẽ chẳng có lý do gì để mệt mỏi trong việc phải nhất tề giữ lòng chung thuỷ hay xét đoán người bạn kia là phản bội hay không. Bởi lòng chung thuỷ chỉ được cam kết và thể hiện trong mối quan hệ hôn nhân gia đình hợp pháp, được pháp luật bảo vệ, và được cả xã hội công nhận. Còn chuyện tình cảm hai người nam nữ, xét cho cùng thì đó vẫn cứ là một mối quan hệ thuần xã hội, không ai phải cam kết hay thề hứa gì một cách nghiêm túc, bởi đó mà nó không được pháp luật và các truyền thống tôn giáo và văn hoá bảo vệ.
Đứng trên luận điểm và sự hiểu biết này, ta sẽ thấy mình hoàn toàn được tự do và cũng như có nghĩa vụ phải tôn trọng sự tự do của người bạn mà ta đang dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho. Theo đó, ta có quyền rung cảm trước một đối tượng khác, tìm hiểu, và đi sâu vào mối quan hệ với một người bạn khác với người bạn hiện tại, mà không phải suy nghĩ đến khái niệm phản bội hay thuỷ chung ở đây. Khi đã xác định, ta có thể chọn lựa người bạn mới kia, hay chỉ đơn thuần ngừng lại mối quan hệ hiện tại trong sự tự do của bản thân mà không nhất thiết phải như tiểu thuyết hay như nhiều người khác ngày nay đang muốn tạo ra bi kịch tình yêu và sự quần quại đau khổ cho nhau do lòng kiêu ngạo của cả hai bên mà ra. Trong sự tự do lương tâm này, ta không nhất thiết phải nói lời chia tay, hay phải chính thức tuyên bố ngừng lại, bởi lẽ chưa có gì ràng buộc đôi bạn ở đây cả, chỉ đơn giản là không phù hợp nữa thì dừng lại; nếu có phải nói gì đó để chính thức dừng lại, thì chỉ đơn giản là một sự chia sẻ và góp ý cho nhau về những gì mà cả hai bên cảm về nhau trong suốt thời gian quan tâm đặc biệt. Đó chưa bao giờ là một dấu chỉ của sự chia tay, sự phản bội, sự bị bỏ rơi, sự coi thường, hay sự ruồng rẫy nào cả. Và ngược lại, ta cũng đừng cố gắng bằng mọi giá níu giữ khi người bạn của ta muốn ngừng lại sự quan tâm và tình cảm đặc biệt với ta, cũng không cần thiết phải đau khổ, phải quần quại, phải vật vã…hay thậm chí tìm đến cái chết để chỉ chứng tỏ là ta đang giữ lòng chung thuỷ còn người kia phải có trách nhiệm với ta. Đó đơn thuần là một hành vi nông cạn, thiếu hiểu biết, hiếu thắng, và phản bội lại chính sự sống của bản thân mình.
Không một khế ước, luật pháp, hay tôn giáo nào lại cấm ta tự do tìm hiểu một lúc nhiều người khi ta đang độc thân tìm hiểu một người độc thân khác, nếu ta chỉ đơn giản là như thế mà không mưu cầu một mục đích mang tính tư lợi nào. Và mọi hành vi tư lợi và áp đặt trong các mối quan hệ này đều là việc làm trái với sự tự do lương tâm. Vì thế, hãy hoàn toàn giữ lòng trong sáng khi tìm hiểu nhau trong các mối quan hệ tình cảm. Đặc biệt, đối với những người trẻ như tuổi học sinh và sinh viên, các bạn đừng nghĩ đó là một kiểu tình yêu như bố mẹ hay anh chị mình trong gia đình, hãy giữ tình cảm đó hoàn toàn trong sáng. Bởi các bạn cũng không thể tiến đến hôn nhân dù bạn nghiêm túc đến mấy trong thời gian là sinh viên và học sinh. Nếu có một tình cảm đặc biệt nào đó, thiết nghĩ, đó chỉ là một tình cảm thuần tính cảm tính, phong trào, hay một sự ngưỡng một tạm thời nào đó.
Hãy nhận thức cách đúng đắn, khách quan, và đầy lòng khiêm tốn về điều mà chúng ta gọi là tình yêu. Tình yêu chưa bao giờ là quan hệ tình cảm nam nữ, và quan hệ tình cảm nam nữ chưa bao giờ là tình yêu. Đừng đồng hoá hai là một, cũng đừng đồng hoá tình cảm nam nữ là mối quan hệ giống như quan hệ vợ chồng được pháp luật, xã hội, và mọi niềm tin tôn giáo cổ võ và bảo vệ, để cuộc sống của ta bình an, tự do, và hạnh phúc hơn.
Joseph C. Pham