Câu chuyện bắt đầu từ một buổi cơm chiều rất đỗi bình thường, khi những lời bàn tán về hàng giả, thực phẩm bẩn vang lên giữa những chiếc chén va nhẹ và tiếng đũa khua lách cách. Tin tức từ các cơ quan chức năng như một hồi chuông cảnh tỉnh về những loại thực phẩm được làm giả, được “nhào nặn” không phải bằng bàn tay của người nông dân tử tế, mà bởi những toan tính lạnh lùng trong phòng kín của nhà sản xuất.
Ngày trước, khi nhắc đến hàng giả, người ta thường nghĩ đến giày dép, quần áo, vật dụng hằng ngày. Nhưng giờ đây, điều khiến người ta lo ngại nhất lại chính là thực phẩm, thứ mà con người đưa vào cơ thể từng ngày, nuôi dưỡng tế bào, duy trì sự sống, và chữa lành bệnh tật. Ấy vậy mà có những người, vì một chút lợi nhuận nhiều thêm, đã sẵn sàng đánh đổi cả đạo đức lẫn lòng trắc ẩn của mình.
Lý do thì chẳng khó đoán. Tham vọng, đồng tiền, áp lực cạnh tranh, bao nhiêu thứ có thể che mờ ánh sáng lương tâm. Nhưng điều tôi muốn nói, không phải là để kết tội, mà là để nhắc lại hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng lại nặng tựa nghìn cân: Lương tâm.
Lương tâm là phần sâu thẳm và mong manh nhất trong con người. Dù bị che lấp bởi tham vọng, danh lợi hay quyền lực, nhưng nó không hoàn toàn mất đi. Nó như một ánh sáng nhỏ nhoi nơi đáy tim, chỉ chờ một dịp để được khơi dậy. Và đôi khi, điều ấy lại đến từ những điều rất giản dị.
Như bà cụ bán rau đầu ngõ. Ngày nào cũng lặng lẽ gom góp ít rau trong vườn mang ra chợ. Nhìn rau của bà, người sành thì lắc đầu, không đều, không mượt, chẳng bóng bẩy. Nhưng cũng có người cố tình chọn mua, bởi họ tin, đó là rau không thuốc. Và quả đúng vậy. Bà không có gì ngoài chút lòng thành và lương tâm của một người làm nông quê mùa. Những bó rau bà bán không chỉ là thức ăn, mà còn là lời thầm thì về sự tử tế còn sót lại giữa phố thị ồn ào.
Nhà hàng xóm có vườn rau nho nhỏ, trồng đủ loại nhưng lắm sâu. Làm rau sạch không đơn giản, phải tỉ mỉ từ khâu làm đất, chăm từng lá non, đuổi từng con sâu nhỏ. Làm vậy chỉ đủ ăn, chứ không đủ bán. Nhưng có hề chi? Cái được lớn hơn nhiều: đó là một bữa cơm an lành, một nhịp sống chậm lại để nhớ rằng thiên nhiên có luật của nó, và con người cũng cần thuận theo lẽ lành.
Rồi có người hỏi: “Xã hội ai cũng vậy, mình không vậy thì sống sao nổi?”. Không dễ để trả lời. Bởi mỗi người đều có những lo toan riêng. Miếng cơm manh áo là chuyện lớn. Nhưng trong sự lựa chọn sống đúng với lương tâm, vẫn có những người chọn cách sống chậm, sống sạch, sống thiện. Họ là những người không làm giàu bằng mọi giá, nhưng giàu có bằng sự thanh thản và phúc lành.
Những đồng tiền họ kiếm được có thể ít hơn, nhưng lại là những đồng tiền không nhuốm màu dối trá. Nó mang theo giọt mồ hôi, niềm tin và sự công chính. Và chính từ đó, họ gieo vào đời những điều tử tế cho bản thân, cho con cháu, cho xã hội.
Sẽ đến một ngày, khi xã hội có thêm nhiều người như vậy, khoảng cách giàu nghèo không còn là hố sâu khó lấp. Bởi người giàu biết sẻ chia, người nghèo biết gìn giữ giá trị chân thật của mình. Khi ấy, không chỉ đời sống vật chất được nâng lên, mà phẩm giá con người cũng được soi sáng bởi ánh sáng của lương tâm.
Chiên con