Bế tắc và bấn loạn

Có lẽ chưa bao giờ trong trong lịch sử nhân loại con người ngày nay đang phải đối diện với nhiều vấn nạn đau đầu và mệt mỏi như thời đại của chúng ta khi mà nền kinh tế suy sụp và khủng hoảng sâu mang tính cách toàn cầu; khi mà thảm hoạ thiên nhiên đó đây cứ rình rập nuốt chửng hàng chục ngàn người mỗi năm; khi mà luân thường đạo lý mỗi ngày một suy đồi bởi nạn phá thai càng ngày càng tăng, giết chóc tăng dần đều, hôn nhân đồng tính ngày càng được nhiều quốc gia đồng thuận (trái với hôn nhân theo luật tự nhiên một nam – một nữ), nạn vô cảm và lạnh lùng có sẵn ở trong tâm tư con người càng ngày càng có dịp bộc phát; khi mà độ chênh lệch giàu nghèo giữa hai thế giới càng tăng; khi mà tỷ lệ tự vẫn càng tăng theo cấp số nhân; khi mà số người tâm thần tăng lên mỗi lúc một cao (nạn tâm thần nhẹ như mất kiên nhẫn khi lưu thông trên đường, dễ dàng gây gổ với người khác, dễ nổi giận, dễ nổi cáu, trầm cảm…); hay tắt một lời là nhân loại đang tự đẩy mình vào hố sâu của tuyệt vọng, bế tắc, và bấn loạn hoàn toàn không một lối thoát.

Con người ngày nay sống mà cứ như đã chết tự bao giờ. Cuộc sống đang là niềm vui thì giờ đây chỉ còn sự lo lắng và sợ hãi gia tăng từng ngày. Nguyên nhân của nỗi lo ấy là ai nấy đều tập trung đời mình chủ yếu cho một mục tiêu mà tự bản chất chỉ là chuyện cỏn con và tầm thường nếu không muốn nói là thấp nhất – Cơm áo gạo tiền. Người ta mở mắt ra là lo kiếm thật nhiều tiền, kiếm được rồi thì lo hưởng thụ cho đã, đến lúc chiều tà thân xác mệt rã rời lên giường mà cứ canh cánh bên lòng câu chuyện đồng tiền xưa như trái đất. Niềm vui giờ đây không còn đơn giản là những bữa cơm gia đình đầm ấm nữa, mà thay vào đó phải là những chuyện giật gân và xa xỉ hơn thì mới mong kích cho cái cảm giác vui cảm thấy được trọn vẹn và đã đã. Mà trong gia đình với nhau ai đời lại kích thích nhau bằng những thứ xa xỉ, và thế là ông đi đường ông, bà đi đường bà, và con cái đi đường con cái, ai nấy đi tìm cho mình cái niềm vui giật gân mà mỗi người tưởng tượng ra trong trí óc mình. Cho đến một ngày mọi sự bị vỡ lẽ thì giờ đây chẳng ai thèm nhận trách nhiệm và thay vào đó đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người này, người kia… Vui chưa kịp hưởng thì niềm lo và sợ hãi lại chen lấn vào gần như chiếm đến 99% quĩ thời gian người ta có, bởi người ta lo chạy theo các giá trị ảo nhiều quá nên theo qui luật nhân quả thì chuyện lo sợ là chuyện tất yếu phải xảy ra với những người bám víu vào sự giả tạo ấy làm niềm vui.

Con người đang sống tự xưng mình có tài có đức, nhưng thật ra thất đức và mất tài tự bao giờ vẫn không hay. Giờ đây, ai nấy rảnh ra là dán mắt vào các kênh truyền hình 24/24 trong và ngoài nước vô cùng hấp dẫn mà tự bản chất thì nó chẳng dẫn người ta tới đâu ngoài những mục giải trí rẻ tiền; hoặc gián mắt vào lướt Web để đọc hết hạng tin này đến hạng tin kia, từ tin vịt đến tin gà, từ lá cải đến lá cau với châm ngôn mà nhiều người hay nói “Đọc, đọc nữa, đọc mãi, đọc đến vãi thì nghỉ”. Người ta ngại phải đọc các tác phẩm văn học có giá trị triết lý và nhân văn cao, nhưng thay vào đó là những tạp chí đầy hình ảnh nóng bỏng, kích thích nhục dục, và những cuốn mà tiếng Việt chúng ta gọi là văn hoá phẩm đồi truỵ và đồi bại với những tên gọi nghe đã thấy vô văn hoá rồi. Người ta ngại phải nói đến chuyện giúp nhau nên tốt nhân danh cái chủ nghĩa tự do và trưởng thành, ai nấy đều sợ phải chia sẻ điều hay lẽ phải trong cuộc sống, và thay vào đó là những lời dụ dỗ nhau những phi vụ bay đêm, những khoái cảm đạt được sau một cuộc mây mưa, những lợi ích rất tốt cho đời sống tính dục, những vụ làm ăn phi pháp lợi nhuận cao… Còn ai đó mà nói về đạo làm người thì sẽ bị qui kết ngay lập tức là người đạo đức giả và là kẻ sống thiếu thực tế. Trong gia đình, các bậc cha mẹ không còn can đảm dạy con sống nhân đức nữa bởi họ đang thất đức quá đỗi, tựa như người cha tay cầm điều thuốc phì phèo mà lại bảo con mình đừng hút thuốc vì không tốt vậy; cũng chẳng cha mẹ nào can đảm khuyên con nên học sao cho thành người, bởi chính cha mẹ đang rơi vào hố sâu của thành gì không biết.  Chưa hết, ngồi lại với nhau thì ai ai cũng mặc định mình là người tài, thế là từ chỗ mặc định ấy người ta phải chứng minh bằng hành động cụ thể, người người đi học bằng hai, người người đua nhau học Thạc Sỹ ở các trường quốc tế trong khi tiếng Anh thì một câu nói không trọn vẹn (không hiểu sao vẫn tốt nghiệp hoành tráng?), bằng cử nhân, bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ thì giờ đây không thiếu vì có bao nhiêu xe cam nhông chở cũng không xuể, chỉ còn thiếu cái Bằng Lòng mình hèn kém mà tự trau dồi tri thức cách nghiêm túc để cống hiến tốt hơn cho đời. Bởi rất đơn giản, người ta ảo tưởng cho rằng mình đang có cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ nên không cần trau dồi gì thêm nữa, thế là đủ, và giờ là lúc để cúi đầu xuống bái lạy ông Thần Tài cho em xin chút ơn. Lại rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát của cái kiếp nhân sinh.

Con người ngày nay đang sống có vẻ rất hiện đại, rất trí thức, rất hiểu biết, và cũng rất giàu có đầy đủ, song con tim lại không thể ngủ yên bởi những bế tắc và bấn loạn khi nghĩ đến chung cục đời mình, khi đi viếng xác một người bạn đồng trang lứa, hay khi chứng kiến một nhân vật nổi tiếng nào đó qua đời. Cái bấn loạn này cứ như một cái gì đó rất nghiệt ngã đổ xuống phận người vậy. Thế nhưng, thay vì đi tìm hiểu câu trả lời cách nghiêm túc thì người ta tìm mọi cách thế khác có thể để trốn thoát như du lịch, tụ tập ăn chơi, thành lập các câu lạc bộ chuyên xài tiền và trưng bày hàng độc, các nhóm nhậu theo trình độ uống, nhóm chuyên nói những câu độc đáo và ngổ ngáo, nhóm chuyên sáng tác những cuốn văn hoá phẩm đồi truỵ, ôi thôi nhiều vô kể những con người bế tắc đáng thương đang bấn loạn đi tìm cho mình câu trả lời sai lệch. Họ tựa như người không biết mình muốn đi đâu về đâu, thế nên cứ ra đường vớ phải chiếc xe buýt nào thì nhảy lên, tới trạm phải xuống thì xuống, rồi lại nhảy lên một chiếc khác hả hê tưởng là xe sẽ đưa mình đến một cái đích tốt đẹp nào đó như chuyện thần tiền, cứ thế và cứ thế cho đến khi nhắm mắt xuôi tay thì họ sợ phải tính sổ đời mình nên lay lứt hoài không thể chết, còn một số khác lại phải chết cách đau khổ, chết cách bất ngờ không kịp ngáp… Chỉ những ai dám tính sổ đời mình từng ngày thì mới mong có một cái chết trong bình an dù phải trải qua bạo bệnh và những đau đớn thể xác, song khi họ nhắm mắt thì rất bình thản nếu không muốn nói đến lạ kì.

Cuộc sống của mỗi người bình an và hạnh phúc thật hay không lệ thuộc vào rất nhiều ở thang giá trị mà mỗi người chọn lựa và sống trong cuộc sống của mình. Chỉ cần nhìn và nghe điều người đó quan tâm thì biết ngay thang giá trị của họ là gì, và có thể đoán biết ngay tương lai của con người này có rơi vào bấn loạn và bế tắc hay không. Câu trả lời cho sự bấn loạn và bế tắc của từng người và giải pháp luôn luôn hiện hữu cho những ai thành tâm thiện chí tìm kiếm và đón nhận. Thế nên, nếu đời bạn đang rơi vào cái bấn loạn thật sự thì đừng ngần ngại khiêm tốn nhìn nhận và thành tâm tìm kiếm lối thoát, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy. Hãy làm điều có thể cho đời mình khi còn thời gian, tử thần không trừ một ai khi nó đã đến hạn. Đừng bao giờ tự nhủ như một đứa trẻ “Đời còn dài, còn nhiều dịp, còn nhiều thời gian, nên giờ cứ ăn chơi thoả mãn trước đi, tới đâu hay tới đó…” thì bạn sẽ phải trả giá rất đắt nếu không muốn nói là trả không hết cho những luận điệu lầm lạc của mình.

Joseph C. Pham